Trà Sen Mộc Truly Hue's - Tinh thần khởi nghiệp từ văn hóa con người và nông nghiệp Huế

Trà Sen Mộc Truly Hue's - Tinh thần khởi nghiệp từ văn hóa con người và nông nghiệp Huế

 

Chuyện về các doanh nhân nữ say mê nâng tầm đặc sản Huế

(KTSG Online) - Từ những nguyên liệu được cho là đặc trưng của cố đô như sen hay cỏ bàng, những nữ doanh nhân trẻ đang ấp ủ ước mơ cùng cộng đồng lan tỏa các sản phẩm đặc trưng xứ Huế cho dù có nhiều chông gai.

CHỊ PHẠM THỊ DIỆU HUYỀN: SEN KHÔNG ĐƠN THUẦN CHỈ LÀ SEN         

Khởi nghiệp lần 3 với sen trắng cổ

Ngày 22-6, chị Phạm Thị Diệu Huyền đã chính thức đưa vào hoạt động cửa hàng thứ hai thương hiệu Đặc sản Mộc Truly Hue’s tại 66 Lê Duẩn (TP. Huế), đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình đưa các sản phẩm làm từ sen và các đặc sản khác của Huế đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

“Với không gian tại cơ sở mới này tôi có nhiều cơ hội để kể những câu chuyện văn hóa của Huế được gửi gắm trong các sản phẩm của mình đến với người mua trong và ngoài nước”, vị doanh nhân nữ trẻ nói. Chị cũng chia sẻ đây cũng chỉ là những bước đi đầu tiên sau bao chông gai (do những nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan) trên con đường “chậm mà chắc” mình đã vạch ra; để có thể phát triển kinh doanh bền vững, đảm bảo nguồn thu lâu dài, ổn định cho những người nông dân và nghệ nhân cũng như nâng tầm giá trị cho sản phẩm.

Chị Huyền kể lại cách đây nhiều năm, trong những lần đầu tiên dẫn các bạn của mình ở Sài Gòn đến Huế chơi, chị nhận ra rằng không dễ tìm ra những sản phẩm đặc trưng chất lượng của Huế để làm quà hoặc giới thiệu đến những vị khách khi đến Huế du lịch.

Chị đã ấp ủ phát triển các sản phẩm đặc trưng chất lượng của Huế từ đó. Là người tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ sinh học, chị tự đặt câu hỏi tại sao không đưa công nghệ vào sản phẩm, đưa văn hóa vào sản phẩm để kinh doanh, quảng bá.

Nói là làm. Năm 2009 chị bỏ công việc lương cao ở Sài Gòn để về quê hương lập nghiệp. Chị chọn cách bán hàng ở phố đêm ở thành phố Huế để lắng nghe tâm tư của người tiêu dùng và du khách, từ đó phát triển sản phẩm tốt hơn. Vì chị thấu hiểu rằng chỉ khi tự đặt bản thân mình vào vị trí của khách hàng, rồi đánh giá, nhìn nhận sản phẩm một cách khách quan thì mới tạo ra được những sản phẩm thành công và phù hợp với thị hiếu của thị trường nhất.

Sau 2 lần khởi nghiệp với các sản phẩm khác nhau nhưng chưa thành công, nữ doanh nhân sinh năm 1985 này vẫn quyết tâm không bỏ cuộc, quyết định khởi nghiệp lần thứ 3 với sen. Và quả ngọt đã đến với những người bền bỉ, “lửa thử vàng gian nan thử sức”, Giải A cho dự án Đặc sản Mộc Truly Hue’s với các sản phẩm từ sen tại Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019 là động lực để chị bước tiếp con đường này.

Trước đó, chị cùng chồng mình đã cất công, mày mò tìm hiểu về loài sen trắng cổ của Huế. Hai vợ chồng mất khá nhiều thời gian không chỉ để tìm đọc các tư liệu về cách trồng sen, những loại bệnh của cây sen dễ gặp phải, cũng như tìm gặp những người trồng sen lâu năm để học tập kinh nghiệm và hợp tác trong việc tìm giống, nuôi trồng và chăm sóc cây sen trắng… Chị đã vận dụng những kiến thức cũng như kinh nghiệm mình đã được học và thực hành trước đó để áp dụng công nghệ và máy móc hiện đại vào các công đoạn ướp sen, nhằm lưu giữ hương và sắc của hoa một cách tối đa nhất.

Ý chí lớn hơn khó khăn

Chị Huyền mong muốn Mộc Truly Hue’s không chỉ đem đến cho khách hàng những đặc sản mang đậm hương vị bản địa mà còn muốn làm tăng giá trị tinh thần cho sản phẩm bằng cách đưa vào mẫu mã bao bì mô-típ văn hóa Huế qua những chất liệu, họa tiết, màu sắc, như tranh làng Sình, các danh lam thắng cảnh của cố đô Huế.

“Chiến lược lâu dài của chúng tôi là tập trung tiếp cận với nguồn khách du lịch trong nước và quốc tế, vì đây là phân khúc đối tượng khách hàng dành sự quan tâm nhiều hơn đến những giá trị văn hóa tinh thần và có nhu cầu cao tìm mua những đặc sản địa phương về làm quà”.

Hiện nay, Mộc Truly Hue’s đã có hệ thống phân phối trên khắp cả nước với hơn 110 cửa hàng, bao gồm các cửa hàng tại sân bay, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử bước đầu đã có những đợt hàng xuất khẩu sang Mỹ.

Khi mọi thứ đang dần dần đi vào guồng thì nhiều khó khăn ập đến, công việc kinh doanh không chỉ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid mà đầm sen bỗng bị mắc bệnh lạ khiến hỏng hàng loạt làm chị có lúc tưởng chừng như muốn bỏ cuộc.

“Chúng tôi chủ yếu phải chuyển sang kênh bán hàng online cho khách hàng từ Sài Gòn và Hà Nội. Đơn hàng cũng chỉ tập trung chủ yếu vào set quà tặng dịp lễ, Tết. Có những thời điểm ít đơn hàng tôi tự nhủ liệu mình có thể gắng gượng được bao lâu nữa...

Đến nay, Mộc Truly Hue’s có 6 hồ trồng sen trắng với tổng diện tích 20ha. Năm ngoái có 3 hồ sen bị chết do nấm và năm nay chỉ có 1 hồ sen trắng duy nhất còn sống (do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt). Để ứng phó với tình trạng này, chị đã ứng dụng sinh học để sấy lạnh, giữ được 85% sen trắng, tận dụng mọi bộ phận của hoa sen để tạo ra thành phẩm một cách tối ưu nhất đủ để cung cấp quanh năm: hoa để làm trà, hạt sen sấy, củ sen làm snack, tim sen sấy khô,...

Trong khi nỗ lực khắc phục ổn định đầu ra cho sản phẩm, Mộc vẫn cố gắng song song duy trì hợp tác với bà con nông dân địa phương, cũng như hợp tác với những nghệ nhân nhằm giúp họ giữ được những nghề truyền thống có nguy cơ bị thất truyền theo dòng chảy thời gian: “Chúng tôi phải luôn đảm bảo nguồn thu cho bà con để họ có thể gắn bó với mình lâu dài. Chỉ riêng trong mùa sen vừa qua, chúng tôi đã bán được 20 tấn hạt sen chưa kể hoa và sản phẩm khác”.

Chọn cho mình con đường đi khác biệt, Mộc Truly Hue’s gửi gắm những câu chuyện văn hóa Huế vào bao bì sản phẩm và khôi phục lại những nghệ thuật cung đình xưa như hộp bánh màu Pháp Lam, hay tiếp tục lưu giữ những thức quà truyền thống như kẹo kéo, bánh sen chấy cuộn lò than…

Nói về những ấp ủ của mình trong tương lai, chị Huyền cho biết muốn đưa công nghệ tốt hơn vào sản phẩm để có thể giữ được 95% sản lượng sen và nâng giá trị của sen hơn nữa trên thị trường.

Bên cạnh đó, là một người con của vùng đất cố đô, chị muốn góp hết sức mình vào phát triển các sản phẩm nông nghiệp, đặc trưng của địa phương để mỗi khi nhắc đến các sản phẩm Huế thì mọi người sẽ nhớ đến những sản phẩm chất lượng, vừa hiện đại nhưng vẫn mang đậm hơi thở truyền thống.

“Muốn tồn tại, trước tiên sản phẩm phải có chất lượng tốt”, chị Huyền tâm sự về con đường phát triển sản phẩm mang thương hiệu của Huế. “Tiếp đó, chúng tôi cần sự tham gia kết nối từ các doanh nghiệp lớn nhằm giúp những doanh nghiệp nhỏ phân phối sản phẩm mong muốn địa phương sẽ tạo những điều kiện thuận lợi hơn nữa giúp quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp”.

Sau rất nhiều chông gai và thử thách, chị đã “vươn lên” khai trương cơ sở thứ hai của Đặc sản Mộc Truly Hue’s và hân hạnh được đón tiếp ông Phan Ngọc Thọ (Phó Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế) - người lâu nay nổi tiếng với việc ủng hộ phong trào khởi nghiệp và ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế. Đây được xem là sự động viên khích lệ to lớn và là động lực để Mộc tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp tục lan tỏa giá trị tinh hoa văn hóa Huế đến với muôn phương.

“Mộc Truly Hue’s – Gói ân tình xứ Huế”

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Bình luận

Katherina 27/12/2023

Thank you for the auspicious writeup. It in fact was a aamusement account it.
Look advanced tto far added agreeable frim you! However,
hoow can we communicate?

My site - https://mostbetcasino.wordpress.com/

Thùy Dung 29/06/2022

Tuyệt vời quá!!!