NGUỒN GỐC CỦA BÁNH IN NGŨ SẮC TIẾN VUA

NGUỒN GỐC CỦA BÁNH IN NGŨ SẮC TIẾN VUA

Ở Huế, ăn uống chính là một loại hình văn hoá, được chia ra làm hai hệ: hệ ẩm thực cung đình và hệ ẩm thực dân gian. Ẩm thực cung đình là những món ăn ngự thiện ngày trước chuyên được chế biến để dâng vua. Những món ăn này đều thuộc loại cao lương mỹ vị, được chế biến công phu, cầu kỳ nhằm đạt được các chuẩn mực cao nhất: đẹp mắt, ngon miệng và bổ dưỡng. Chính vì vậy, các món ăn chốn cung đình không chỉ qua bàn tay đầu bếp chế biến mà còn do Thái Y Viện chịu trách nhiệm để đảm bảo có thể kết hợp ra những nguyên liệu hoàn hảo nhất.

 

Bánh in là loại bánh truyền thống dân dã mà vương giả dịp lễ Tết của xứ Huế. Ẩn sau lớp vỏ rực rỡ là hương vị ngọt dịu của đậu xanh và đường cát. Mặt trên của bánh có khắc các hình chữ Thọ, Phúc, Lộc và gói trong giấy ngũ sắc, được dùng trong các dịp lễ cúng tất niên hoặc mời khách ngày Tết.

 

 

BÁNH IN RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO?

Tương truyền rằng, bánh in xuất phát từ làng Kim Long, ngoại ô thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, chuyên dùng tiến vua thưởng trà. Người cao tuổi trong làng cho biết, nguồn gốc bánh in đã có từ thời Nguyễn, triều đại đóng đô ở Huế. 

Trong ngày cận Tết Nguyên đán, nhà vua vua bỗng nhiên cảm thấy cần có món thưởng cùng trà nhạt. Vì lẽ đó, vua bèn truyền vài bô lão khéo tay tại vùng Kim Long làm ra món ăn vừa rẻ vừa ngon, cho Ngài thưởng trà. 

Sau một hồi bàn bạc, các bô lão nhận thấy nguồn đậu xanh ở đây luôn sẵn có, dồi dào nhất. Chỉ cần kết hợp với chút đường cát là đủ chất dinh dưỡng.  Và quan trọng nhất món bánh nhỏ gọn này rất giá rẻ. 

Sau vài tuần nghiên cứu, chiếc bánh đậu xanh lần đầu được dâng lên vua với hình chữ “Thọ” in trên mặt ngụ ý chúc vua trường thọ. Vua ăn thử thấy ưng bụng bèn thưởng cho cả làng và ra chiếu truyền lệnh lưu giữ nghề này đến muôn đời sau.

 

 

Ý NGHĨA NGŨ SẮC BÁNH IN

Bánh in được gói trong giấy ngũ sắc có 5 màu là Xanh – Đỏ – Vàng – Trắng – Tím, mang ý nghĩa tượng trưng cho ngũ hành trong tự nhiên lần lượt là Mộc – Hỏa – Thổ – Kim – Thủy, trong Tứ thời ứng với Xuân – Hạ – Giao mùa – Thu – Đông, trong ngũ thường nho giáo ứng với Nhân – Lễ – Tín – Nghĩa – Trí. Ngoài ra năm màu sắc này cũng chính là năm màu cơ bản trong cảm quan mỹ thuật hội họa Huế ngày xưa.

 

Đến nay, nghề làm bánh in ở làng Kim Long đã trải qua nhiều thế hệ. Hiện đã có thêm nhiều thứ bánh khác với tên và hình dáng khác nhau, nhưng vẫn mang hương vị chủ đạo là kết hợp giữa đậu xanh và đường cát như bánh hột sen, bánh tháp. Hơn nữa, dân gian còn kết hợp thêm các hương vị mới như nếp, bánh nếp, nếp dừa mè, bánh măng, nếp bột tro đậu xanh, bánh ít đen.

Đối với bánh in đậu xanh (xưa nhất), người làm phải qua các công đoạn rất cầu kỳ: đãi đậu, nấu đậu, đánh đậu, giã đậu, in bánh, sấy bánh, và đặc biệt phải gói trong giấy bóng năm màu sắc thì mới đúng là bánh in ngũ sắc. Điều này tạo nên nét truyền thống độc đáo cho loại bánh dân gian mang nhiều giá trị văn hóa và tinh thần của người Việt.

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Bình luận